Porto

Tui đã nghĩ mình phải viết gì về Porto. Viết về ấn tượng đầu tiên, rằng đó là một  nơi rất dịu dàng, dễ thương và bừa bộn. Hay viết về ấn tượng cuối cùng rằng nó thật buồn tẻ thiếu sức sống?

Bữa đầu tiên đặt chân đến Porto là 8g tối. Máy bay của Ryanair vừa đáp xuống là chơi nguyên hành khúc vỗ tay hoành tráng. Làm như mỗi lần đáp được xuống an toàn là may dữ lắm vậy. Sau khi nhận phòng xong là cả đám 7 người kéo nhau đi siêu thị. Rẻ hơn rất nhiều so với Pháp, đặc biệt rượu bia còn bèo hơn nữa. Vậy là kế hoạch đi ăn ngoài phá sản, mọi người kéo nhau về phòng nấu ăn, vì lần này cả nhóm đã thuê luôn 1 appartement nhỏ, có đủ bếp núc nồi niu xoong chảo. Nói là cùng nhau nấu ăn chứ thực ra chỉ có một mình a N bao trọn gói, nguyên đám còn lại chỉ ngồi tán nhảm, chơi bài và luân phiên tắm. Khởi đầu của một chuyến đi chơi thật là thỏai mái: 1 bữa ăn ngon và rẻ, khí hậu dễchịu, phòng thoáng mát, rộng rãi.  Không có gì để phàn nàn. Ngay cả con đường mình đang ở  cũng trùng tên đường gần nhà mình ở Bordeaux – San Catherine, mà hơn nữa, còn là một con đường mua sắm. Làm như tất cả con đường tên đó đều là đường mua sắm hay sao đó. Tối đó mọi người nhậu khuya và lăn ra ngủ, không biết trời trăng gì ráo. Ngày hôm sau mở mắt ra đã là 10g sáng. Một ngày bắt đầu trễ với bánh mì, trứngốp la và đủ các loại nước từ trái cây đến cà phê. Và thế là chúng ta bắt đầu tìm hiểu về Porto.

Có người bảo Porto là một thành phố màu xanh, vì trời ở đó đẫm màu nước Địa Trung Hải, đặc biệt xanh hơn chỗ khác. Ngoài ra kiến trúc Porto thường lát ngoài bằng gạch men sắc xanh (mà em Tr nhà mình đã gọi thô thiển là giống “đá lát toa lét”). Porto ngày đầu tiên đối với mình, là rất giản dị và gần gũi.

Vì ở đó một ngôi chợ to, rất giống chợ Việt Nam, chỉ có điều sáng sủa hơn một chút và sạch sẽ rộng rãi hơn nhiều chút.

Porto có những con đường dài khúc khuỷa quanh co và dốc không thua gì Đà Lạt. Ở nhiều trong những đoạn dốc đó,  nhìn xuống thấy ánh nước xanh lấp lánh dưới ánh mặt trời. Hai bên đường thì quần áo mền gối phơi vô tội vạ. Đây có lẽ là đặc trưng của Porto hay cả một vùng Bồ Đào Nha luôn rồi. Có những căn nhà bên dưới là quán ăn, vậy mà tầng 1, ngay trên tấm bản hiệu, người ta thản nhiên đem quần áo phơi . Mới nhìn thì thấy lộn xộn bừa bộn, mà nhìn quen thì thấy cũng mắc cười, thú vị. Gần như tất cả đều được phơi bằng một cách, vắt ngang kẹp 2 kẹp. Những bà già đem áo ra phơi rồi ngóng xuống khách du lịch đang ngồi ăn ở quảng trường du lịch. Bỗng ý thức rõ ràng mình là khách lạ ở đây.

Khí hậu ngày đầu tiên ở Porto cũng rất tuyệt vời. Giữa một ngày cuối thu đầu đông mà nắng ấm như hè, mọi người cao hứng ăn ở một quán nhỏ ven sông (dĩ nhiên là sặc mùi du lịch), lúc đó cứ tưởng như hè đã trở lại rồi. Ấm áp, mát mẻ và khoan khoái.

Vẻ đẹp của Porto nằm ở biển ở sông. Một buổi chiều qua cầu, đứng bên kia bờ sông Duoro nhìn qua hàng quán náo nhiệt bên này, nơi mấy anh chàng cổ động viên bóng đá xách băng rôn ca hát khắp nơi, thấy Porto đẹp một vẻ đẹp trong sáng và rất bình yên. Mình thích ngồi ở bờ đê đó, trong những chiều tà, nhìn mấy chiếc thuyền con con neo dọc bờ, chim bói cá hờ hững đậu trên cột cờ, hoặc ngó xuống nước ngay dưới chân mình thấy hàng đàn cá đang bơi. Lúc đó đã nghĩ có câu “Đất lành chim đậu”, hẳn nước cũng phải lành thì cá mới bơi lội được như thế. Đây hẳn là một mảnh đất tốt.

Porto, cũng giống như Bordeaux, là một thành phố nổi tiếng về rượu. Vậy nên bữa đó đã làm một chuyến thăm và thử rượu ở cave Calem. Rượu thì thiệt ra mình không phải expert gì nên không dám lạm bàn, sợ lỡ có chuyên gia nào đọc phải thì cười chết. Nhưng về nói về cơ bản thì trong các nước, chỉ có vang Pháp có thể xếp hạng  phân loại được. Bởi vì thứ nhất, khi trồng nho, không được tưới, nghĩa là không được tự do kiểm soát độ ẩm, lượng nước của mùa nho, nên mới sinh ra chuyện cần chọn năm khi uống. Có những năm thời tiết ổn định, nho tốt, rượu ngon hơn những năm khác. Thứ hai, trong quá trình làm vin, trừ một số loại như champagne hay vin moelleux không nói, có bỏ thêm đường hoặc alcool, còn lại đa số vin đều là được lên men tự nhiên trong những thùng gỗ nhỏ, rượu hấp thụ  mùi gỗ làm nên hương vị nồng nàn và phức tạp riêng biệt, không thêm hương liệu. Những chateau lớn chọn gỗ đóng thùng rất cẩn thận, thùng xài chừng 1-2 năm thì bỏ, thay thùng mới, bán lại cho những chateau nhỏ hơn. Vậy nên mỗi chai vin Pháp đều mang một hương vị riêng biệt. Người Pháp uống rượu trong bữa ăn và uống cà phê vào cuối bữa. Ăn xong 12g đêm 1g sáng vẫn phải thêm một ly cà phê. “Nếu không thì làm sao ngủ được”. Nói lan man quá, quay về với rựou Porto. Nó không phải là loại rựơu thuần chất như ở Pháp. Ngoài chuyện thêm alcool, thêm hương liệu, thì phần lớn nó còn pha nho của nhiều năm lại với nhau, rượu còn có thể pha thêm hương liệu, mùi trái cây, thường độ ngọt cao hơn. Rượu đỏ Bồ do vậy không thường uống trong bữa ăn, mà uống sau đó. 2 ly rượu mình thử hôm đó không thích lắm vì hơi ngọt quá và hăng quá – còn non. Nhưng hôm đó cũng học được những chuyện rất hay về các loại rượu Bồ, ví dụ như phân biệt loại Rugby và Tawny, hiểu cách ghi tuổi rượu trên nhãn chai… Thú vị.

Ngày hôm đó đã kết thúc bằng chuyện má đỏ hây hây vì rượu, theo mọi người đi vòng đường núi lên đỉnh cầu đi bộ về nhà. Cả một dọc sông trong ánh hoàng hôn chập choạng lên đèn, thật là một cảnh đáng xem.

Nhưng đáng tiếc ngoài những cảnh đẹp như thế, Porto trong mắt mình những ngày sau, còn rất nhiều điều đáng bàn. Porto là thành phố lớn thứ 2 Bồ Đào Nha, chỉ sau thủ đô Lisbonne, nhưng những con đường mình từng đi ở đó, không có đường nào không có nhà bỏ hoang. Mà không phải bỏ hoang bình thường, bỏ hoang đến nổi kính bể tang hoang, nhìn cứ như nhà ma liêu trai chí dị. Ngay ở những con đường sầm uất nhất cũng vẫn nhan nhản như thế. Nghe nói nhiều năm trước, Bồ Đào Nha bị khủng hoảng kinh tế, rồi thêm làn sóng di dân qua Brazil, rồi lại còn mấy trận động đất. Có lẽ vì thế sự phồn vinh của một thành phố lớn chỉ còn lưu lại mờ nhạt trong những phế tích cũ.

Mà mấy công trình kiến trúc cũ ở đây cũng là một nỗi sốc lớn. Anh C lãnh nhiệm vụ tìm hiểu Porto đã rất háo hức dẫn mọi người đi thăm ga Porto. Vì nghe đồn đây là một ga đẹp đến mức có thể khiến người ta bị trễ tàu. Lúc  đến nơi thì trời ơi, hông phải nó không đẹp, nhưng nó nhỏ còn hơn ga Bordeaux một chút xíu. Gạch lát tường thì khá đặc sắc, nhưng muốn làm người ta mê mẩn quên đường về thì đúng là chỉ có quảng cáo bất lương mới nói được. Tiếp theo là tham quan nhà thờ dát vàng. Nghe đồn trong quá khứ vàng son, người ta đã phải dùng 500kg vàng để lát toàn bộ trong đó. Nhưng bây giờ, còn chăng là chút vàng mạ mà thôi. Du thuyền trên sông nhìn rất hấp dẫn, nhưng trên thuyền chẳng có hướng dẫn đọc như ở những thành phố khác. Mà bữa đi thuyền trời rét căng da, ngồi trên đó lạnh căm căm ráng loay hoay ngó ngoáy mà chỉ thấy cầu sắt với nhà cấp 4 cheo leo trên đỉnh núi gió thổi hun hút, ngoài ra chẳng có gì khác đi thuyền Bến Nghé trên sông Sài Gòn cả. (Ờ mà chắc tàu Bến Nghé còn có phục vụ văn nghệ)

Tối thứ 7, cả bọn quyết định kéo nhau qua bên kia bờ sông kiếm nhà hàng ăn thử. Một dọc dài có chắc chừng hơn chục cái nhà hàng, nhưng trừ 2-3 cái đông ra thì tất cả còn lại đều vắng tanh, không một mống khách, không một mống. Làm nhiều khi mình cứ rởn da gà, không hiểu sao mấy quán này vẫn tồn tại được. Có một quán view siêu đẹp, nhìn ra bờ sông, nhìn rất hiện đại, mở nhạc ầm ĩ xập xình, giá cả vô cùng ok, nhưng vẫn chẳng có ai, làm cả đám cũng không dám mạo hiểm vào ăn. Quán nghe giới thiệu trên mạng thì đã đóng cửa, tìm không ra. Một anh ra vẻ dắt mối cò mồi chỉ vào quán khác. Mọi người ngần ngừ khôngmuốn vào nhưng sau chừng nửa tíêng đi dò hết các quán gần đó thì vẫn phải trở lại vì đó có vẻ là quán tương đối nhất rồi. Chưa bao giờ vô bàn mà nhìn mặt mọi người lại căng thẳng hình sự như vậy, cứ giống như sắp bị cứa cổ khắp nơi. Đặc sản ở đây là cá bacalao. Thực đơn toàn cá là cá. Mỗi người gọi một món trong tâm trạng hoang mang khó tả. Còn một đặc điểm nữa ởcác nhà hàng Bồ Đào Nha là trước bữa ăn chính sẽ dọn một số món ăn chơi bao gồm: bánh mì, ôliu, thịt nguội và chả cá chiên (nhìn giống VN nhưng thật ra là cá trộn khoai tây chiên). Nhưng trước khi ăn nên nhớ cho kỹ: mỗi MIẾNG trong đó là đều phải trả tiền. Tùy nhà hàng sang hay không nhưng nói chung khoảng 0,75-1 euro một miếng. Mình không hiểu sao người Bồ Đào Nha có thể rảnh như vậy. Nguyên một dĩa đem lên như vậy rồi lại đem xuống đếm tường viên – từng lát một. Trời ơi, mà tưởng tượng mỗi lát bánh mì, mỗi trái ô liu nhỏ xíu như vậy – 1 đồng… Cũng may được báo trước. Chứ không cứ tưởng như ở bên Pháp – bánh mì miễn phí, đói bụng quất hết một rổ thì chắc là cuối cùng tính tiền bánh mì ra còn mắc hơn tiền bữa ăn chính quá.

Bữa hôm đó đem cá ra, hầu hết đều rất mặn.  Thế là các anh chị em bắt đầu bàn vì sao nó mặn. Người thứ nhất nói là chắc đầu bếp rảnh quá không có chuyện gì làm nên mới ngồi rắc muối khí thế lên cá. Người thứ 2 nói vậy sao miếng của tui lạt nhách không có vị gì. Người thứ 3 bèn trả lời rằng chắc cha đầu bếp thứ nhất nêm mặn quá bị đuổi rồi, ông đầu bếp thứ 2 vô sợ quá không dám thêm muối. Người thứ 4 mới hỏi dzậy còn tui, nửa miếng mạn nửa miếng nhạt? Câu trả lời rằng ông kia nêm nhạt quá nên bị đuổi luôn, ông thứ 3 dzô để chắc ăn nên chỉ rắc muối nửa phần. Cả đám nói xong cười nghiêng ngửa vì thấy trình nhảm của tụi mình đúng là vượt mọi limit rồi. Đến lúc tính tiền nhà hàng mới tặng một card giới thiệu site của quán, trên đó nói có tới   1000 cách làm món cá bacalao này lận . Thế là cả nhóm mình phá lên cười. Đúng rồi, 1000 cách làm là tùy theo 1000 mức độ cho muối. Haha, lúc này mình mới hiểu giá trị lớn nhất của du lịch nhóm mà mọi người hợp ý là thế này đây. Ngay cả trong những lúc bết bát nhất vẫn có thể làm mọi thứ trở nên thú vị.

Vậy nên cuối cùng mình kết luận . Porto là một thành phố dễ thương nhưng tương đối đơn điệu. Chỉ nên đi với nhóm bạn đông vui, chứ đừng đi một mình hai mình. Sẽ chết vì chán và thấy mọi thứ tiêu điều. Và thôi nên tốn bớt tiền tham quan mà dành thời gian đi dạo bờ sông, bãi biển chắc đỡ bất ngờ và thất vọng hơn.