Nửa đời ngơ ngác

__Viết cho “Nửa đời ngơ ngác” – Kịch Hoàng Thái Thanh

(Nguyên tác: “Chiều vắng” của Nguyễn Ngọc Tư) __

Em muốn hỏi, một lần, thế nào là nửa đời ngơ ngác. Là nửa đời chờ đợi trông chờ, hay nửa đời dở dang ngơ ngẩn. Cái buồn có thể diễn tả bằng lời không phải nỗi buồn thật sự. Nếu say có thể quên, sầu có thể khóc, tình để lỡ còn duyên gặp lại, thì tại sao tóc trắng nửa đầu còn phải mượn khói bếp cay xè che đi mắt ầng ậng nước.

Sông dài, cá lội chẳng có tăm hơi. Chờ đợi một người biền biệt phương trời đã là điều đáng sợ. Nhưng chờ một người trước mặt mình còn đáng sợ hơn gấp bội. Đưa tay ra có thể chạm được người, nhưng không chạm được lòng. Yêu thương dài như sông cũng chỉ là đổ ra biển, miệt mài trôi hoài vô vọng. Đem nước mắt một đời trả cho người, rốt cuộc có ai là người lời khi thu nợ?

Lời hẹn của những ngày xanh tóc. Tương lai là điều mờ mịt xa xôi. Những kẻ ngây thơ non nớt vụng về nhưng liều lĩnh. Yêu thương là thứ duy nhất có thể hào phóng cho nhau.

Em chờ anh vồng cải hoa vàng. Anh chở chiều về ghe trôi rạch nhỏ. Hạnh phúc cả một ngày nằm ở cái ôm chặt không buông. Hoa vàng mấy độ, thương nhau mấy thuở mấy kỳ.

… Rồi lại chia xa. Rồi lại gói ghém. Gói ánh mắt trong khói. Gói yêu trong hận. Gói thương trong oán. Gói cuộc đời trong những hoang hoải nhớ thương.

Mình sợ cái buồn trong truyện Nguyễn Ngọc Tư. Day dứt vô vọng. Man mác khắc khoải. Lặng lẽ đau đáu. Cái buồn của những ánh mắt lặng thầm không bao giờ được đáp lại. Cái buồn của những yêu thương không tìm được về chung lối, và những đợi chờ triền miên không dứt.

Chị Ba Lê theo không anh Tư Nhớ cù bất cù bơ chèo ghe chở mướn. Bà Hai mẹ chị giận, đi cáo giác với công an anh Tư buôn lậu, chở người vượt biên. Ngày anh về vườn nhà xanh cỏ, vợ bị bắt lại đem gả lên chợ huyện rồi, còn đứa con vốn nằm trong bụng mẹ chờ ngày ra đời thì bị bà Hai bảo “Ra bãi rác mà tìm”. Oán hận không tài nào dập nổi. Út Lý em chị Ba Lê muốn đền bù chăm sóc cho ông anh rể hụt, lại đem lòng thương anh, dang dở một đời. Đầu hai thứ tóc, răng rụng mất rồi mà mắt mỗi người xa xăm một phương. …

Hờn giận làm chi cho tình chẳng chảy tới được. Nước mắt người đàn ông găm lại trong lòng, làm hao mòn bao nhiêu nước mắt của một người phụ nữ khác trong những yêu thương dạt dào và đợi chờ đau đáu. Nước mắt chảy xuống như một vòng luẩn quẩn, trói mình trong hồ giữ đầy không cách thoát ra.

Muốn đem tình mình hòa bớt đắng cay trong lòng người.

Muốn chăm sóc ngừơi, từ những điều giản dị hàng ngày, như những người đàn bà bình thường vẫn được làm cho người mình thương.

Muốn dang tay ôm để xoa dịu tất cả tổn thương người chịu, mặc dù đã quên mất rằng trên chính mình những vết thương vốn chẳng nhẹ nhàng hơn.

Và muốn chứ, một lần, người nhìn mình bằng ánh mắt hiền trìu mến như nhìn về người đó.

Chỉ là một kẻ thay thế. Thay thế một người vốn chỉ tồn tại trong vòng vài tháng, bằng sự kiên nhẫn dịu dàng của vài chục năm trời….mà vẫn không được thừa nhận.

Bao giờ chiều chập choạng qua, thù hằn được giải, để yêu thương trở về đúng chỗ và tay – lại như lần đầu – được ngượng ngịu cầm tay.

Em muốn tình yêu là con sông dài, lặng lẽ chảy. Để ngày nào đó, người bước ra khỏi sương mờ, lại được về ngồi với dòng sông, để nhận ra hạnh phúc thật ra chưa bao giờ trôi đi hẳn. Ngọt ngào vì đã qua đủ đắng cay.

Tối khuya quỳnh hương nở. Đóa mới cho đời, đóa mới cho em…

Bạt: Thích truyện hơn kịch, đầy đặn và nuối tiếc. Nhưng thích Út Lý của Hồng Ánh hơn. Mạnh mẽ và sống động hơn nhiều, dám yêu dám nói. Nhưng vẫn yêu lắm một Út Lý bốn bảy tuổi của truyện, ngày nào cũng qua chăm sóc người ta, mà bữa rụng hết bốn cái răng lại tần ngần đứng ở cửa chờ được mời vào. Cái giọng xa xăm trên chiếu “Coi vậy mà già rồi”, như lời nhắc nhở bâng quơ, như hy vọng mong manh cuối cùng … giá mà anh chịu nói một lời. Thương lắm mà cũng xót lắm, sao hiền nhịn thế kia. Yêu bằng tình yêu của mình, mờ cứ ngỡ nương tựa chút mảnh tình thừa người khác. Ba Lê cuối kịch vô duyên chưa từng thấy. Có lẽ phải có một Ba Lê phủi tay quá khứ thế kia, thì dòng nước mắt luẩn quẩn mới chảy hết ra, để yêu thương trở về ôm lấy Tư Nhớ và Út Lý, để họ thực sự chỉ thuộc về nhau, để Tư nhớ nhận ra bao nhiêu năm, ai mới là người phụ nữ bên cạnh mình. Nhưng vẫn nhớ lắm, một Ba Lê của truyện, “đôi mắt buồn thiu thỉu, luôn luôn ngó thẳng về phía trước mà ánh nhìn không có một chỗ vịn nào.” Cái tình trong truyện, nó nặng quá. Đến lúc cuối “Cả ba người quay lưng lại với nhau, bưng mặt khóc, thương cho tuổi thanh xuân đã qua mất rồi” . Chỉ một câu, mà thấy mình đúng là ngơ ngẩn. Thế nào là ngơ ngác nuối tiếc, chuyện tốt không thành, tình thương để lỡ. Duyên ngắn có thì.

Nguyễn Ngọc Tư

( Viết cho tập truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”, trừ truyện cuối)

Xưa nay vẫn ghét đọc truỵên buồn, thật sự là vậy. Bởi dzậy cuốn “cánh đồng bất tận “ của Nguyễn Ngọc Tư mua về đọc đúng 1 lần duy nhất rồi xếp lại cất vào tủ (Bé Gà lại sắp lèo nhèo sếp dư tiền wé, biết vậy mượn đọc thôi là dc rồi chứ gìImage ) Ừa, thì mỗi lần đọc lại thấy buồn buồn, nằng nặng,như có cái gì đó rứt không rứt ra được, bỏ không bỏ xuống được, khóc không khóc được, nén không nén được…Rồi lại ngồi chép miệng thở dài, gấp trang sách lại nhìn qua cửa sổ, giống như là bước qua 1 thế giới khác. Cái nắng tươi tắn chói chang của 1 ngày hè tương phản lạ lùng với cái buồn man mác trĩu nặng trên những dòng sông cánh đồng của một miền quê nào đó. Mà cái miền quê biền biệt bằn bặt thương nhớ đó, hóa ra cũng nằm trong cái nước VN mình. Ừa, lạ nhỉ.

“Mỗi lần nghe câu hát “gió đưa cây cải về trời, Rau răm ở lại…”, tôi hơi quạu, ông bà mình hiền lành quá đi, thí dụ có bị phụ phàng, thì cũng cố chanh chua, hằn học 1 tí, “Gió đưa thằng quỷ sứ về thành. Để tui ở lại chành ành… đắng cay”. Đau, tức vậy mà vẫn cứ trách nhẹ hều…Dường như người ta vẫn yêu, đến mức không thể giận dỗi, nặng lời. Và mình thì chưa bao giờ yêu ai đến như vậy?!!!”

Nghe là buồn, mặc dù giống như chuyện chẳng liên quan gì đến mình, vì …. “mình thì chưa bao giờ yêu ai đến như vậy?!!!” Nghe mà có vị chua chua. “chưa bao giờ yêu ai đến vậy”…Chợt bật cười, nghe nhà bên bật mấy câu nhạc trẻ( của UHP, AXN, nhỉ?Image ): “Người yêu anh mất đi thì sao, người yêu anh mất đi thì thôi…”, rồi nào là “em gian dối..”, anh gian dối”….Nghe tự nhiên lạ quá, lạ thiệt đó.Rồi lại tẩn mẩn tần ngần nghe 1 câu ca dao xưa vọng lại, không hiểu sao lại thấm vô cái đầu mình sâu đến thế, rằng thì là:

“Sông dài cá lội biệt tăm
Phải duyên chồng vợ ngàn năm em cũng chờ”

( Vì cái câu hát này mà cứ muốn đi coi vở Sông dài ở Idecaf, mặc dù biết nó là bi kịch)

Một đằng thì cứ gào thét “I love you”, mà đi thì đi cũng rất lẹ, chia tay cũng chia rất nhanh “Đừng cố níu kéo”…”Anh không muốn bất công với em”….Một đằng thì cả đời 1 câu nói thương không hé được qua miệng, mà cái ánh mắt chờ đợi cứ ám ảnh sau lưng 1 ngừơi ra đi. Thở dài, rốt cuộc, là bên nào đắng hơn bên nào.

Mà không hiểu sao những con người trong truyện Nguyễn Ngọc Tư lại hiền như vậy, thương như vậy.Cô gái biết chàng trai phụ mình lấy người khác, giọng tỉnh rụi như không, gặp ngoài chợ thì cười nói như chưa từng xảy ra chuyện gì, như 2 người bạn lâu ngày không gặp. Rồi cô đi lấy chồng, đêm trước vu quy ngồi xếp lại mấy bộ đồ, buồn vui không lộ trên nét mặt, như đám cưới ai chứ không phải đám cưới mình, rồi mở cái kỷ niệm cũ ra coi,mắt vẫn ráo hoảnh. Đèn dầu leo let trong phòng hay nỗi niềm riêng trăn trở trong lòng cô

“Xuồng từ từ chạy tới đập nhỏ đầu xóm Kinh cụt. Đám trâm bầu đứng im lặng, xơ rơ. Huệ bất ngờ xuống máy chạy chậm, chiếc xuồng khật khừng. Nó ngơ ngẩn ngó lên bờ, trong lòng chao chát 1 nỗi thèm muốn. Nó muốn chạy vô xóm, tới nhà Thi, gặp anh và nói cho anh hay rằng nó hết thương Thi rồi, nó quên anh, quên thiệt.

Nhưng nói để làm gì, ta?”

CHỉ muốn hỏi cô 1 câu, Huệ ạ, làm gì khổ vậy. Cô quên, quên thiệt rồi, cô không còn thương nữa, thiệt hông? Sao cô vẫn còn muốn chạy đến nói với anh điều đó? Hay vì cho đến tận cùng, cô vẫn muốn người ta được hạnh phúc, yên lòng , còn lòng cô- như 1 đám mây mùa hạ, đã trôi lững lờ, không dừng ở đâu, không còn cảm giác. Nếu cô ngắm bờ sông và thật sự đã hết đau vì mối tình năm cũ, hà cớ gì còn chấp nhất chuyện mình đã quên chưa. Nói với anh 1 câu “Huệ đã quên rồi”, hay tự nhủ lòng mình rằng không quên không được. Có thương không hả cô?

Mà mấy mối tình dìu dịu , “thương hoài ngàn năm” đó cứ ngan ngát tỏa khắp cuốn truyện của NNT. Chính xác là ngừơi ta thương nhau vì cái gì không ai biết, thậm chí nhiều khi cũng không nhận ra được mình thương người đó. Người ta muốn lấy vợ, mình giúp ngườita. Ngừơi ta ngồi buồn, mình ngồi xuống kế. Thương cả 1 căn nhà dột nát cũ kỹ vốn chẳng phải nhà mình- chẳng qua vì người ta quý nó. Cứ như thế, “tui yêu ổng hồi nào”, không bao giờ nhận …không phải vì dối, có lẽ vì trốn tránh chính lòng mình. Cái tình cảm tự nhiên như ngày còn bé, chờ không chờ, hẹn không hẹn, nhớ không nhớ, thương không nói thương. Rồi 1 ngày nào đó, biết rằng mãi mãi một người không thể thuộc về mình, chỉ cảm thấy lòng buồn ngẩn ngơ…vẫn vu vơ không chịu hiểu, lòng mình là thế nào…

Đọc mấy câu chuyện, thấy lòng mình buồn man mác. Như 1 buổi chiều tà ngồi nghe nội kể những chuyện tình xưa cũ nào không thành. Lại nghe câu hát rằng:

“Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng , thương hoài ngàn năm”

Mà nói thiệt, nếu được chọn, thà rằng lấy nhau không đặng quên hết cho rồi. Chứ cứ cái kiểu “thương hoài” đó, dễ đau nhiều người lắm.

Ghi chú: Những đoạn in nghiêng trong ngoặc kép là trích từ truyện Nguyễn Ngọc Tư