Mùa hoa

 

 Có những ngày sinh ra cố chấp. Mà có lẽ không phải “sinh ra”, là “trỗi dậy”. Ví dụ như những ngày nhất định phải đuổi theo một mùa hoa. 

Hồi tháng 10, muốn đi xem hoa hướng dương, hướng dương bạt ngàn ở Lop buri. Sau năm lần bảy lượt tính toán xe cộ đi lại, cảm thấy nên đuổi theo những mùa hoa gần mình hơn trước. Tự nhiên nghĩ đến những vạt cải trắng ở Mộc Châu, thế là đi. Mà lại còn kiên quyết đi xe máy cho bằng được, mặc dù nhiều người khuyên nên đi bus lên Mai châu rồi mới tà tà cưỡi xe lên Mộc Châu. Cuối cùng cũng được như ý nguyện, từ đó mới nhận ra, đúng là bây giờ không đi xe máy lên chắc không bao giờ đi nữa, vì bộ xương đã già cả hom hem, xóc nảy trên xe có mấy tiếng mà nửa thân dưới muốn bán thân bất toại, đầu óc dật dờ còn hơn thiếu thuốc. Cậu em dẫn đường trẻ trung sung sức, chuyến đi chạy như bay, anh chị cắm cổ chạy theo, thấy đường cũng còn gần. Đoạn về các bộ xương già tự vác lủ khủ đồ véo von chạy xuống, qua mấy con đèo, đi từ lúc rất sung đến lúc mặt trời khuất núi mới về được ngoại vi Hà Nội. Thật là một chặng đường khó quên.

Lúc lên tới Mộc Châu, vòng vèo sau mấy con đường đất vào bản sâu, cậu em hăng hái khoát tay chỉ vào mấy rặng hoa lè tè quanh căn nhà thấp bảo “hoa cải đó anh chị!” Nguyên đám ngẩn ngơ nhìn nhau. Thiệt á, sao nó không trắng nõn mà lại tim tím, nhìn cứ như như … hoa dại. Cậu em tiếp tục phất tay: “Anh chị nghe nói tam giác mạch ở Hà Giang rồi đúng không? Nổi tiếng lắm! Mà e đi xem rồi thấy cũng giống giống vậy thôi”. Những trái tim tan vỡ, dù vẫn kiên quyết lên đồi chụp lấy chụp để cho bõ vài ngàn cây số. Thật ra không cần hoa rực rỡ, chỉ vài rặng dã quỳ và bông rạp trong chiều ngược nắng đã đủ để làm cho những căn nhà lụp xụp chốn đồng không mông quạnh thành nơi người ta ao ước. Trên đường về, anh bạn ấm ức không thôi, đang chạy xe thắng cái két nhảy xuống hưo tay chỉ vào một cụm hoa : “đây mới là hoa cải nè!”. Nguyên đám hăng hái chạy lại “ừ ha, bông này mới đẹp mà”. Rốt cuộc cụm hoa cải đầu tiên thấy được để mọi ngừoi trầm trồ lại khó thể lên hình đươc, tại vì các em ấy khiêm nhường nằm một bên … chuồng bò. Còn mình, mình chỉ biết quay qua hỏi cậu em “Em có chắc em gặp tam giác mạch thiệt rồi không?”

Tháng một, quyết định đuổi theo anh đào Đài Bắc, thứ hoa ngắn ngủi theo mùa mà năm xưa đã từng lượm cài lên ghi đông xe đạp. Sau lại dời sang tháng 3. Tháng 1 đào chớm nở, tháng 3 đào vội tàn. Kiểu gì thì cũng có chút lỡ làng lưu luyến. Thôi kệ, có đi thì cứ đi. Yang ming san mùa này chỉ còn vài hàng đào nằm rải rác. Làm sao thấy cánh mỏng nhẹ nương gió như trên núi Praha năm nào. Chỉ chút an ủi là bắt đầu vào đợt calla, người ta trồng calla đầy những cánh đồng. Thật ra mà nói, chưa bao giờ rất thích calla. Khí chất quá cao ngạo, mà lại không giống cao ngạo tự thân, kiểu như bể ngoài là vậy mà bên trong hơi rỗng không nội hàm. Nhưng đến khi mưa rơi vật vờ cả ngày, lên đến tận núi trong khí trời rét căm mà chỉ có thể ấm ức nhìn thấy những triền hoa trắng qua màn mưa mờ mịt cửa xe bus mới biết mình là loại phù phiếm chỉ cần là hoa là thích cả. Bước xuống xe  phải che dù chui tọt vào quán nhỏ bên đường né mưa tránh rét ngay. Năm tháng đội mưa kéo áo ngày xưa giờ lại hơi hơi tràn về. Mà trong cái quán nhỏ căng bạt đặc trưng của Hàn Đài, giữa làn khói âm ấm toả ra từ nồi lẩu, chốc chốc lại có một toán người rũ mưa trên áo ôm một bó calla cao dài bước vào. Mưa nhạt nhoà xám mà calla lại cứ lẻ loi bướng bỉnh trắng . Giữa những triền mưa, cuối cùng dù vẫn không chạm được một nhánh hoa trong bạt ngàn hoa đang nép trên đồng, dù vẫn ấm ức ngửa mặt than trời, lại cảm thấy, có đến đã không uổng phí.

Cuối cùng những cuộc truy đuổi, không quan trọng nắm bắt được không, chỉ là đã từng dám đuổi và đã từng dám với.

Hoa cũng như người, ngắn ngủi thế thôi!

18/09/2012

Có đôi lúc mình cũng sợ.

Sợ cuộc sống đều đặn sẽ làm mình quên hết những cuộc phiêu lưu nho nhỏ đã qua.

Những liều lĩnh ngông nghênh bộc phát rồi cũng đồng hóa nhạt nhòa trong thói quen an ổn.

Một vài giấc mơ đã chìm nghỉm qua những đêm ngủ mê mệt.

Chính là sợ…

sợ không thấy nữa những bước chân qua.

Sợ sẽ quên trời từng xanh thế nào. Ngõ từng yên thế nào. Người từng yêu thế nào.

Tiếng xe đạp lọc cọc đổ dốc trên đường đá. Tiếng phong linh leng keng nghe được từ đầu ngõ. Tiếng sột soạt tuyết đổ ngoài hiên.

Có đôi lần đang làm việc (thiệt ra là trám hay nhổ răng gì đó), tự nhiên trong đầu lại hiện lên cái máy bán hàng trong trường. Không hiểu sao đến cái máy bán hàng cũng nhớ. Những ngày trời rét rét, khóac một lớp áo dày cui, cầm 30 centimes lon ton đến mua trà chanh. Mà máy éo le thường chỉ bán nửa ly, uống cài vèo một ngụm là chẳg còn gì. Sau đó đứg tần ngần trước cổng trường. Nên về ngay hay ghé bà Lý mua thêm chút đồ nấu nướng? Ghé cửa hàng xa xỉ phẩm tự mua cho mình một đôi bông tai hay vào thư viện tha thêm vài cuốn sách về làm kiểu. Chẳng có gì để gọi là phiêu lưu, Chỉ là những ngày đặc biệt. Bởi vì chúng sẽ khác với phần lớn ngày đã và sẽ sống trong đời.

Có đôi lần nhớ về những nơi mình từng trọ qua. Ví dụ như ở Hà Lan, từng ở nhà trọ 6 giường một phòng, cũng từng ở khách sạn tự động hóa hoàn toàn, lại từng ở nhờ nhà người khác, rồi từng mướn một cái phòng nhỏ riêng. Nếu hỏi rằng thích nơi nào nhất, dĩ nhiên thích cái phòng. Vì nó be bé xinh xinh phải leo cầu thang hẹp cheo leo mới lên tới được. Vì nó gần đường ray xe lửa, lâu lâu lại nghe loáng thoáng tiếng cộc cằn xe chạy. Vì nó có một cái bếp xinh xinh đủ trà, đường và tủ lạnh. Và vì nó có một cái ghế rất thoải mái để ngồi đọc sách. Những ngày mình thích nhất ư? Là những ngày lười biếng, thức dậy ở thành phố chưa- kịp – quen vào giờ chưa-kịp-định, rán một cái trứng ăn sáng rồi thả bộ dọc theo những con kênh xanh chưa biết sẽ dẫn về đâu. Lúc nào cũng có thứ để tò mò, để mỉm cười, để bắt đầu yêu mến.

Và sau những chuyến đi, sẽ trở về, với vài món quà xinh xinh bỏ gọn trong túi. Để làm gì ư? Để (vờ) quên mất rồi (vờ) nhớ ra. Chỉ tiếc là không thể giấu lại vài cánh anh đào. Nhỡ đâu có ngày lại quên mất bốn mùa từng thấy…

Colmar

 Sẽ thiệt là mắc cười nếu mình bảo rằng mình ghé Colmar chỉ vì vài tấm hình trên postcard. Nhưng sự thật là vậy. Mặc dù mình đã đến rất gần, rất gần nơi đó, mình vốn chưa bao giờ có ý định ghé đến, thậm chí cũng chẳng biết rằng nơi đó có tồn tại.

Mục tiêu của chuyến bay cuối đó là Strasbourg. Làm sao có thể rời khỏi Pháp vào một mùa đông mà không ghé thăm cái hội chợ Noel phù hoa bậc nhất nước cơ chứ, nhất là khi mình đã phát ngấy lên với cái hội chợ Noel nhỏ xíu đơn điệu hàng năm ở Bordeaux. [Mà éo le thay giá phòng hay giá vé tàu mùa đó đều mắc không chịu nổi. Vì cái cớ gì mà Bordeaux lại ở hướng Tây Nam và Strarbourg lại leo lên cái góc chẹt Đông Bắc mà nằm chứ hả]. Vậy nên lúc đó từ Budapest, mình đã tìm một con đường vòng vèo đến Strasbourg. Quá giang Berlin và hạ cách xuống một sân bay quốc tế nằm ở chạc ba Thụy Sĩ – Đức – Pháp. Cách đó nửa tiếng là một thành phố nhỏ chẳng mấy tiếng tăm về du lịch ở vùng Alsace – Mulhouse (Và, à há, bác tài xe buýt đã ngẩn người khi nghe mình bảo mình muốn tới Muyn hao xờ. Lẽ ra mình phải biết cái kiểu phát âm chết tiệt của bọn Pháp chứ. Vâng thưa các bạn, nếu muốn tới đó, các bạn hãy bảo là Muy-lu-xờ. Nhớ rằng âm “xờ” thật nhẹ nhàng duyên dáng nhé)

Đêm ở Mulhouse thật chán. Có chợ Noel nhưng 8g đã dẹp và 8g30 ngoài đường đã như nửa khuya. (Và mình ngậm ngùi nhận ra Bordeaux vẫn rộng rãi và náo nhiệt biết bao nhiêu). Nhưng sáng đó khi vòng vèo ở mấy con đường thành phố nhỏ đó chọn postcard, mình đã vô tình vài ba lần chọn phải thiệp không phải của Strasbourg, nhưng cảnh chụp trên đó thì đẹp đến ghê người. Tất cả chúng đều ghi cùng một chữ. Colmar. Thật ra, cảnh đẹp cũng giống như gái đẹp vậy, nếu thường xuyên nhìn thấy nhiều quá thì tiêu chuẩn sẽ dần được nâng lên, và đến một lúc nào đó nếu chỗ nào/gái nào còn có thể làm mình mắt tròn mắt dẹt được thì có lẽ cũng đáng để xếp vào bảng “tình yêu trong đời” rồi. Mà đã là tình yêu định mệnh sét đánh như vậy thì cho dù gió bão dập vùi, nhất định cũng phải tận mắt nhìn thấy một lần, được lang thang ít nhất một ngày ở đó. Và thế là, mình đã có một ngày mưa gió tơi bời đúng nghĩa ở Colmar.

Colmar là một thành phố cổ tích. Cổ tích ngay cả khi nó ngập mình trong màn mưa dày đặc, hay khi ken kịt người lúc trời vừa kịp hửng nắng hiếm hoi. Đáng khen đó chứ, vì chúng ta đều biết, một dòng người chen chúc (bao gồm cả mình trong đó), ai nấy khóac áo lạnh sù sụ như gấu, thì chẳng có chút dáng vẻ cổ tích trong mơ gì cả.  Mình tới Colmar vào một buổi sáng mưa rơi lất phất, chạy vội vào quán ăn khi mưa rơi tầm tã, bước ra khỏi quán để nhận ra mưa đã chuyển qua tơi bời, và sau cùng khi áo khóac không còn chỗ nào ráo nước thì mới tìm được một quán cafe thuần túy giữa lúc quán xá đang nghìn nghịt phục vụ bữa trưa. Bà chủ quán nhỏ nhắn thon thả phẫy tay dễ dàng bảo mình muốn ngồi bàn nào thì cứ việc (Ồ, nếu vậy, dĩ nhiên phải là một bàn gần cửa sổ), sau đó đem tách chocolate nóng ra với một nụ cười địa phương rất độ lượng, thông cảm. “Hôm nay thời tiết ghê quá ha” “Dạ, hy vọng chiều sẽ đỡ hơn”. “Ồ, không đâu, nghe bảo là chiều nay còn tệ hại hơn nhiều nữa”. Quả là một ngày tuyệt vời để thăm Colmar mà. Chứ còn gì nữa, nếu chọn một thành phố bình thường nào khác thì chắc mình đã phải lầm bầm nguyền rủa bằng tất cả ngôn ngữ bất nhã nhất rồi.

 Colmar rất vừa vặn. Nghĩa là không quá lớn để mất đi vẻ duyên dáng, mà cũng không quá nhỏ để trở nên ngột ngạt. Không quá đông để bị xô bồ, mà cũng không quá vắng để buồn chán tẻ nhạt. Mà điều này thì rất quan trọng trong mùa lễ Giáng sinh. Những ngôi nhà ở đây theo đúng kiểu vùng Alsace, lai tạo giữa cái dáng khuôn mẫu của Đức :mái cao, những khung cửa sổ vằn vặn, với nét tươi vui của những giàn hoa đung đưa trên hiên, có thể bắt gặp ở bất cứ ngôi nhà Pháp nào. Những mặt tiền rực rỡ sắc màu, ngay cả mùa đông cũng không thể làm chúng u ám đi nổi. Dọc một triền đê, những ngôi nhà nghiêng mình, vừa đều đặn ngăn nắp, vừa xộc xệch ma lanh. Và tất cả ma lanh đều có sức cuốn hút riêng của nó.

Colmar có một đoạn nhỏ gọi là Petite Venise. Nếu nơi nào nhận cái tên đó, mình sẽ phì cười cho là một chiêu câu khách hư trương thanh thế. Làm sao một đọan kênh nhỏ xíu xìu xiu lại có thể ghép mình vào cái tên Venise bự đùng như thế. Nhưng Colmar có cách xoay xở riêng của mình, với tất cả nét duyên dáng của kênh nhỏ êm đềm, của hoa rủ hàng hiên, của cầu ngắn nghiêng nghiêng, của thuyền hờ neo bến, Colmar ngầm bảo rằng, đây không phải là thu nhỏ của “thành phố” Venise, đây chỉ là bản rút gọn của nét duyên nơi đó. Một bản lý giải súc tích và đầy đủ cho sức quyến rũ của những phố liền kênh.

Lúc mình rời khỏi Colmar, trời bắt đầu hửng nắng (Vâng, mình biết, cái số mình nó rệp). Nhưng ngay cả khi mình phải liên tục nép mình vào những hiên nhà ngắn lạnh run mà không biết tay nào còn hoạt động nổi để rút khăn giấy lau ống kính máy chụp hình, mình vẫn chưa bao giờ hối hận đã đến nơi đó. Vào một ngày mưa.

Bởi vì cổ tích thật ra không chỉ viết vào những ngày nắng.

Cám ơn những triền sông.

Linh tinh

Hôm bữa lôi vé máy bay ra ngồi đếm, mới thấy còn lại có 2 tờ. Hôm nay thì đã xài xong cái vé cuối cùng. Móng tay cũng dài cả tấc rồi, đến lúc phải về nhà cắt thôi. Cái chuyến đi này dài cả tháng, hết ở nhờ, ở trọ lại ở mướn, thiếu điều chỉ còn xin ở đợ nữa thôi. May mà không cần chai mặt đến vậy. :))

Tối nay khách sạn nửa đêm nghe con nít khóc phòng bên, lại nhớ cái chuyện ba mẹ cứ kể mãi ngày này tháng nọ, rằng thì là có con bé năm ba tuổi được bế đi Vũng Tàu, rồi thì cả đêm khóc rã họng đòi về nhà với ngoại. Đến sáng ra thiên hạ ùa nhau đi tắm thì nó mệt quá rồi nằm ngủ o o. Chỉ có ba má nó bị hành muốn mếu thì thôi. Thiệt tình, đầu óc tụi con nít làm bằng chất gì vậy ta!

Tự nhiên nhớ cái lần đầu đi máy bay “một mình”, vô cổng hải quan xong không có điện thoại, lại muốn gọi ra ngoài báo cho ba má biết ổn rồi, thế là đành mượn di động của ông bác gần đó, xin nói nhờ hai câu. Mình vừa nói xong, định cúp thì ổng lấy lại máy, giọng sang sảng “Đừng có lo gì hết, có tui ở đây rồi”. Mình đứng đó thiệt là dở khóc dở cười. Chả lẽ khều ổng nói : “Bác ơi, bác nói vậy không chừng ba má con còn lo hơn” : ))

Mình càng đi càng lười, càng đi thì sức ì càng lớn. Buổi sáng ở Berlin trời mưa mù mịt. Dự định ban đầu là đi metro đến trạm gần đó. Nhưng đi mới 2 trạm tới rồi lại nghĩ bụng, đi ít vậy ko bõ tiếng vé đó nha! Vậy cho nên ngồi thêm chừng 6 trạm nữa, định bụng ló đầu lên đi bộ thêm chút. Ai dè vừa ló lên thấy gió thổi bạt người lạnh cóng, nhìn qua tay phải có quán cà phê, thế là buồn ngủ gặp chiếu manh, nhanh chóng sà vào. Dạo này mình đi với người khác còn ăn đủ bữa, chứ đi một mình thì cứ 2 bữa nhập một cho gọn, mà thường nhất là bữa sáng bữa trưa dồn lại thành bánh ngọt và trà, thế là xong. Hồi xưa có bao giờ nghĩ mình sẽ có lúc “thanh nhã” thế này cơ chứ. Nhiều lúc ở trong quán nước, nghĩ chỉ cần có trà có bánh, có sách, có cửa sổ để thỉnh thoảng nhìn ra ngoài, thì ngồi cả ngày ở đó cũng chẳng sao. Đây là cái loại lười biếng xa xỉ chỉ sinh ra khi đi du lịch một mình, bởi vì bản thân không cần nương ai cả, cứ thích là làm thôi. Ngày ở Annecy cũng vậy. Mưa bay tả tơi. Sau khi lướt thướt dạo đuờng thì lại tìm đến trúng một nơi gọi là thư viện, hết sức tình cờ. Vậy là đốt một tiếng hơn ở đó. Bởi vì cửa sổ  thư viện là mặt tiền kính trong suốt, nhìn thẳng ra hồ và núi. Nghĩ bụng mình mà đi với đứa nào là nãy giờ bị nó chửi mềm xác vì dở hơi rồi. : )) Nhưng mà từ lâu mình đã không còn ý nghĩ là phải đi hết những chỗ đánh dấu trên bản đồ nữa. Vốn chỉ còn muốn tìm thấy ở những thành phố vốn không thuộc về mình một góc bản thân cảm thấy thân thuộc, dễ chịu và đáng yêu nhất. Những điểm không đi hết được, cũng chẳng sao, phải để lại tí gì lần sau đến xem nữa nhỉ. Lúc nào cũng có những “lần sau”, ít ra là mình nghĩ vậy.

Phòng mình hồi trước có treo một bức ảnh ông bạn chụp, là chụp bầu trời qua cửa máy bay lúc rạng sáng. Hình rất đẹp, ông bạn rất tự hào. Mình thì lúc được tặng thiệt ra chỉ lầm bầm “Ngồi máy bay 12 tiếng mà sao còn sung sướng tung tẩy được vậy”.  Bây giờ cũng có thể gọi là đi được vài lượt ngồi gần cửa sổ, lại giống như nó, đua đòi chụp ảnh mây trời. Lúc chiều máy bay cất cánh xám xịt mịt mùng, vậy mà lát sau qua mấy tầng cao thì chân trời sáng rực, cứ giống như bay về phía mặt trời. Tự nhiên nghĩ về những câu chuyện mặt trời, không phải chuyện con trai Helios trái lời cha điều khiển xe ngựa loạn cương dìm thân biển lửa, mà là những thần thoại Bắc Âu cổ xưa, kể rằng mặt trời như chiếc dĩa lớn, mỗi ngày do xe kéo , đến tối thả xuống biển cho rắn cuộn tròn, cá đưa đường để mỗi sớm mai lại trả cho bầu trời rộng rắng. Rốt cuộc, mặt trời không bao giờ mất đi, chỉ là chúng ta có thể thấy nó không, hoặc có đủ sức chờ để thấy lại nó không. Chỉ vậy thôi.

Hôm nay đọc trong truyện chưởng một khái niệm rằng “sống trong thì hiện tại”. Rằng một lúc tĩnh lặng nhất, chúng ta ngồi nhìn dòng sông, sẽ không phải chỉ thấy sông, mà thấy cả chính mình đang nhìn sông nữa. Bản ngã vượt ra ngoài, chính là khi nhận thức được trong suốt rõ ràng nhất. Thật là một khái niệm thú vị. chỉ tiếc là muốn làm được, chắc sẽ phải còn tốn nhiều trà và bánh ngọt lắm đây. Bởi vì đời người không phải mấy khi được yên tĩnh hoàn toàn.

Annecy

Một ngày không nắng sớm

Một chớm phất mưa phùn

Nhận ra mình có hẹn.

Thu ép lá trên cành. Đông hững hờ chạm ngõ. Vàng ơi vàng nhuộm kín đường đi. Áo thấm đẫm vai, tự hỏi mưa tà hay sương sớm.

Cuối đường có cầu. Qua cầu dựa núi. Núi lặng im nhìn. Là sương không phải sương. Là mây không phải mây. Như khói tỏa bốn bề. Tình tình trăm năm đứng đợi, bình bình nước lặng hồ trong. Hỏi người có nhớ, có nhớ ta không. Chẳng biết duyên nào chờ đây một đoạn.

Sáng nay trời mưa lất phất. Sau khi đi vòng vèo ba con đường thì hướng ra hồ, tình cờ lại gặp núi. Mà đứng từ xa thì chỉ thấy loáng thoáng bóng cầu nằm trong một cõi sương. Giữa hai hàng lá vàng soi nước chảy khẽ khàng, lại gặp một cảnh thấp thoáng đâu đó từ những cơn mơ. Tự nhiên nghĩ là cây cầu đó đang đứng chờ mình. Chẳng hiểu vì sao chỉ là mình, nhất định mình. Có lẽ vì sương mù bảng lảng làm cho tất cả bóng người đều trở nên nhạt nhòa, nên mới sinh ra lẩn thẩn rằng chỉ ta và đó. Một cái hẹn không có trong sổ, nhưng cứ giống như là đã được lên từ lâu lắm rồi. Một khắc, thở dài. Nếu khói phủ triền miên, phải chăng người sẽ chìm luôn vào giấc mộng.

Đến hồi bước lên cầu mới mơ hồ nghĩ mình lầm. Có lẽ chính núi mới chờ mình ở đó. Bóng tạc trăm năm, bình yên mãi mãi. Lại nhớ lúc xế tà hôm qua xe chạy qua một dòng sông nhỏ, đã sinh ra ý nghĩ rằng nếu có kiếp sau, không làm người, không làm gió, không làm quái gì cả, chỉ là một dòng sông. Để trăm năm có thể lặng lẽ chạy vòng ôm núi. Trăm năm cũng đã đủ rồi, cho dù sau đó cát bồi lòng lấp, cũng đã là tròn một kiếp nhàn.

Nhân sinh như mộng, không nên quá tham lam.

Copenhagen

Ở Copenhagen được hai ngày rưỡi. Nửa đêm đầu nhớ mưa. Một ngày sau biết bão. Đến hôm nay mới nếm được chút ánh mặt trời. Chưa thấy được gì nhiều ngoài một cái bảo tàng to đùng, hai tiệm bánh ngọt đèn vàng ấm ngon dã man và ba bốn lượt liêu xiêu vì gió. Dù sao cuối cùng cũng được đi thăm nàng tiên cá rồi, mặc dù mới chỉ thấy được cái bóng lưng nàng nhỏ xíu giữa triền đê mênh mông cô độc thế này:

 

Thời gian một ngày ở Bắc Âu này thật ngắn. Nắng chẳng tày gang. Chập choạng sớm lúc 9g sáng và nhá nhem vào 3g chiều. 1g30 ra khỏi “nhà”, 2g leo lên được thuyền, đến 3g khi vừa đi giáp một vòng sông thì có cảm giác mình đã ở trên đây mấy đời rồi chứ không phải một tiếng ngắn ngủi. Chỉ sáu mươi phút đủ để mặt trời đi nửa vòng từ chính ngọ xuống trời Tây. Tự nhiên hãi hùng muốn về nhà bật sưởi nấu cơm tối. Bỗng nhớ ra mấy ngày trước ở Paris, mở mắt dậy lúc 8g sáng, ở tầng 7, nhìn thẳng ra cửa sổ thấy ráng trời mới vừa độ ửng hồng, lại ngẩn ngơ sao mình dậy trễ vậy còn được ưu đãi thế này.

 

Chụp tấm hình này là vì khi đó thuyền vừa đi qua, ngoảnh đầu lại thấy giữa ánh chiều, có hai người dẫn xe trên cầu. Tự nhiên muốn biết họ đang nói chuyện gì! Cứ như thể mình chính là một phần trong câu chuyện đó. Nón trùm kín đầu, gió thổi qua phủ dải lông hai bên lòa xòa che kín mặt, yên lặng nhìn sông. Nếu viết tiểu thuyết thì không biết tổ hợp hình ảnh này nên dùng làm đoạn mở đầu hay kết thúc đây.

Mình đúng là càng viết càng nhảm đó mà :))

Paris

Nếu hỏi thành phố nào trên đất Pháp mà tôi từng lưu trú nhiều ngày nhất, sau Bordeaux, có lẽ câu trả lời bật ra miệng liền, đó là Paris. Nhưng tôi không có một Paris nào của riêng mình cả. Trong ấn tượng của tôi, Paris là một thành phố trung chuyển. Tôi không nhớ được một ngày nào ở đó mà mình không tất bật ngoài đường. Mỗi lần đến là ở nhờ nhà một người khác nhau, nhiều đến nỗi bây giờ đếm lại thấy không có lần nào mình ở trùng nhà hết. Ký ức về Paris chỉ toàn là di chuyển di chuyển.

Lần đầu đến là gần 7 năm về trước. Trời ơi nói ra thì cứ giống như lắc đầu một cái là thời gian đã trôi qua vậy đó. Stage culturelle của AUF đài thọ, sau 3 tuần ở Bordeaux là 5 ngày Paris. Bữa đầu tiên tới tự vác vali lên 2 tầng lầu, đặt được vào phòng thì mệt quá lăn quay ra ngủ. Ngủ dậy là thấy chiều tà sắp tối, dụi mắt ra thì thấy đám bạn mình về, ông bạn “tốt bụng” mắt sáng rỡ hào hứng khoe « Mới đi chợ trời chiều chủ nhật kế Notre Dame nè » . Xém chút nữa đè nó ra xử vì tội dám bỏ quên mình. Bao nhiêu ngày sau đó phải dành cho những chuỗi metro bất tận. Ngoài mấy buổi AUF tổ chức tham quan chính thức, còn lại tôi rất hăng hái, xăng xái xách bản đồ ra vạch vẽ khoanh tròn đánh dấu tất cả những chỗ muốn đi. Sau chuyến đó đôi giày mòn vẹt đế phải vứt luôn, còn chân thì phồng rộp nhiều khi muốn lò cò mà chạy. Có bữa hoảng loạn trong gare vì chưa tìm được đúng chuyến tàu,  sợ không về kịp giờ, tôi dẫn đầu mấy đứa nhào đến một bà ở phòng vé, hỏi rất dõng dạc :  « Excusez-moi, où est la voie Một ?» (Xin lỗi, cho hỏi ray 1 nằm ở đâu). Bả mặt mày ngơ ngác còn tôi thì ngu mặt lập đi lập lại mấy lần, thầm rủa chả lẽ phát âm của mình lại tệ đến thế sao. Đến chừng lần thứ 3 thì đá tảng mới rớt xuống đầu nhớ ra, bay ơi, mình phải nói «un» chứ kêu « một » thì có đến tết công gô ma nó mới hiểu. Mà không, phải nói là có mấy thằng Việt Nam như mình hiểu, bằng chứng là một đám đằng sau mình đều gật gù tâm đắc đâu có đứa nào lên tiếng phản đối ! Đúng là đến lúc bấn loạn thì chúng ta đều ngu muội như nhau.

Lần đầu tiên về Việt Nam, vì tiết kiệm mấy đồng tiền train Bordeaux-Paris chênh lệch, bắt tàu lên sớm một ngày. Vali chừng ba mấy kg, còn hành lý xách tay chắc chắn hơn 10kg. Tổng cộng lại tròm trèm cũng chừng 50kg. Con bạn hứa ra đón phụ. Đến nơi trời đã tối, Paris có đình công, thế là đành phải chịu kiếp đơn thân độc mã vác mọi thứ về nhà nó. Từ đó đã đời đời ghi nhớ một sự thật phũ phàng là : « Thang máy ở metro Paris hả, mơ nhe cưng ! ». Đường nào đường nấy dưới hầm ngoằn ngòeo cầu thang hết lên rồi lại xuống, hết xuống rồi lại lên làm mình muốn thét lên « Đã phải xuống thì còn bày đặt lên làm gì ! » Đổi chừng 3 trạm metro thật lòng không nhớ nổi làm sao mình có thể vừa lê vừa lết, vừa lâu lâu dõi mắt trông chờ một mạnh thường quân lưng dài vai rộng xách dùm một đoạn. Đến khi bước được lên chuyến metro cuối thì con bạn gọi tới bảo rằng mày đi sai chuyến rồi, nhà tao phải đi chuyến sau cơ, vì vài trạm nữa ở giữa nó có rẽ. Thế là tàu vừa trờ tới bến, mình không kịp cất, không kịp cúp điện thoại gì hết, nhét luôn nó vào miệng rồi cửa vừa mở hai tay cử tạ ôm hành lý to đùng nhảy xuống tàu. Hình ảnh nếu được chụp lại xứng đáng đưa vào danh sách biếm họa trong năm.

Càng về sau này Paris càng gắn với những buổi sớm, tàu sớm máy bay sớm, tỉ tỉ thứ sớm. Lần nào cũng vậy, không ngáp ngắn ngáp dài thì là hối hả vội vã vắt chân lên cổ. Và Paris cứ thế mà chuyển động không ngừng.

Sau này mỗi lần nói chuyện với ông bạn, nhắc về Paris, lại lườm mát một cái. Thế là cái gã to con đấy lại lật đật rụt người xua tay ngoay ngoảy: “Thôi mà, thôi mà, chuyện lâu rồi mà”. Đấy, tại vì bạn mà mình bao lâu rồi vẫn từ chối chợ trời chiều thứ 7 ở Notre Dame. Chứ sao nữa, bây giờ mà đi thì mai này làm gì còn cớ để nguýt ngoáy xỉ vả hờn mát nữa!

Rồi tuần sau lại lên Paris. Tận 5 ngày. Mà ngờ rằng ấn tượng còn lại cũng chỉ là đường metro dài thăm thẳm từ nhà đến hội nghị mà thôi. :))

Nhân một ngày blog ế

Dạo này blog ế quá nên thôi ta cứ ngồi nhà nhẩn nha uống trà tán chuỵên nhảm.

Hôm nay trời mưa lất phất. Đá đường ướt xám xịt y như màu trời. Tay che dù mà chân lại quên mất, chọn nhầm giày vải. Thế là người chưa ra được đến đầu ngõ thì chân đã ngấm quá nước mưa. Đúng là đóng phim lãng mạn không bao giờ dễ mà!

 

Lại nói chuyện lãng mạn, mấy bữa trước lục hình cũ tìm một tấm cho ra chất mơ màng thì lại đụng trúng cái serie ảnh trời ơi này.

Chuyến Barcelone đó đúng là vô tiền khoáng hậu. Mình còn nhớ sau khi được tống vào bệnh viện bằng xe cứu thương rất hoành tráng thì lê lết ra cổng trong tâm trạng bất lực không biết đây là chốn nào. Sau khi leo hú họa lên một chiếc bus giở bản đồ chằng chịt chữ nhỏ chi chít ra thì thở dài hay là tối nay ta ngủ ngoài đường nhỉ, sao tìm được đường về khách sạn bây giờ. Hải hỏi “Mi biết trạm nào không”. Mình bảo “Biết tên trạm, nhưng tìm được trong cái đống bùi nhùi này ta chết liền đó”. Vừa nói tên ra Hải liếc qua chỉ liền vào bản đồ “Không phải đây sao”. Lúc đó mình quay qua nhìn Hải trân trối thiếu điều  định hỏi : “Ủa ta vẫn còn sống chứ hả”. Sau khi nhảy xuống bus thì bạn Hải dìu còn mình thì nhảy lò cò tìm đường về, không biết nên nghiến răng hay nên cười khổ. Theo kinh nghiệm bao nhiêu năm xem phim của mình thì thường đoạn này phải có trai đẹp xuất hiện rồi mình chỉ cần leo lên cho cõng thôi chứ!!

Trong một bộ phim, tìm ra được người mình cần tìm dường như lúc nào cũng dễ hơn.

Đọc lại mấy bài đầu tiên mình viết về các chuyến đi thấy cũng thật mắc cười, bài càng ngày càng ngắn và hình người cũng càng ngày càng ít. Có những thứ hồi xưa mình thấy thiệt lạ lẫm kỳ diệu bây giờ đã hóa bình thường. Có những nơi đã từng thấy rất đẹp bây giờ cũng nhập nhòa trộn lẫn vào những nơi rất đẹp khác. Cái ấn tượng về những nơi đã đi qua cũng ngày càng ít lại. Nhưng vậy cũng tốt, có lẽ là mình đã học được nhiều hơn một chút.

Lần đó, ông bác sĩ mình làm việc cho khi biết mình sắp đi Bologna-Florence đã nói : “Ô, đẹp lắm đó. Bologna cũng rất dễ thương rồi, nhưng mày sẽ thấy, Florence lại là chuyện hoàn toàn khác”. “Có một lần tao đã bay đến đó, nhưng bị trễ mất tàu nên phải kêu taxi từ Bologna đến Florence”. Mình chỉ lầm bầm trong bụng “Ông đúng là bác sĩ phẫu thuật có khác. Vì tui không được giàu như ông nên tốt hơn là ông mổ nhanh cho tui kịp chuyến bay chiều nay”

Cuối cùng tới Florence một chiều hanh hanh nắng, sau khi đáp tàu từ Bologna. Ấn tượng duy nhất của mình giờ còn sót lại là thành phố đó không đẹp cái đẹp dành cho mình. Một vẻ đẹp cầu kỳ gắn với văn hóa nghệ thuật và hầm bà lằng thứ như vậy. Với một kẻ nhìn tượng không hiểu được ý nghĩ của người làm tượng hoặc xem tranh không cảm được cái tình đằng sau tranh như mình thì thật là chỉ có thể cảm thấy xấu hổ thôi mà.

Mình nhớ về Florence chỉ một khoảnh khắc, là khoảnh khắc trời bỗng sáng lên sau cả chiều lạnh lẽo tăm tối. 6g chiều, lúc người ta sắp bỏ cuộc cả rồi thì bỗng nhiên mặt trời chui đầu khỏi mây, cứ như đồng hồ đã vặn ngược lại vài tiếng. Và thế là mọi thứ đều nhuốm màu rạng rỡ sinh động hơn. Em Trúc lúc đó cứ nằng nặc đòi mua bưu thíêp của hàng thiệp ven sông. Mình bảo không biết nắng được bao lâu, tranh thủ chụp hình trước đi. Huống hồ mua đồ thì  nên dọ giá vài hàng cái đã. Rốt cuộc khi đi gần hết cầu thì trời dần hẹp lại và em Trúc cũng không tìm được cái thiếp nào hài lòng cả, mặc dù đối với mình hầu hết chúng đều na ná nhau. Thế là có đứa lại kỳ kèo “Mua chỗ đó đi U, cái hàng mà lúc mình vừa đứng đó thì nắng lên đó. U không thấy là như vậy rất kỳ diệu sao?” “Ừ, có duyên ha”. Mình không nhớ được kết cuộc, không biết lúc quay lại chỗ đó còn mở không, hoặc xem kỹ lại thì có thấy tấm nào vừa ý thật không, nhưng mình vẫn nhớ cái cười trên cầu ngày hôm đó. Nơi lần đầu nắng mọc. Mặt trời ngày nào cũng giống nhau thôi, tại sao có ngày nhớ có ngày không. Có lẽ vì lúc ký ức dừng ở đó như lần đầu tiên được thấy nắng.

Yên

Thật là khó biết tại sao mình lại sinh ra thích nơi nào đó. Thuần túy là một cảm giác gần gũi nhẹ nhàng. Giống như trong khoảnh khắc lang thang lạc lõng chợt tìm thấy ở thành phố xa lạ một chỗ dành riêng cho mình.

Như khi đứng ở một khoảnh sân nhỏ Verona nhìn lên balcon Juliet, gạch cũ đan xen thường xuân xanh ngắt, giữa một buổi chiều tàn đầy người chộn rộn xung quanh, mà tưởng mình thấy ánh trăng rọi qua khe cửa khi nàng con gái ngây thơ bảo với người tình rằng : “Xin chàng đừng đem trăng ra thề thốt vì trăng ấy mỗi tháng lại thay đường đi lối về”. Cái đẹp cũ kỹ dịu dàng như ngàn năm đọng lại. Cứ giống như thời gian đã phôi pha bạc màu trên từng phím đá, nhưng ký ức thì vẫn được giấu kỹ lại trong từng góc tường.

Như lúc đứng trên cầu ở Venise, nghe rằng : “Nhìn kỹ thì cũng không có gì đặc biệt lắm nhỉ?”, mà nghĩ rằng cần quái gì đặc biệt hơn chứ nhỉ. Mình chỉ cần nghĩ rằng được ở đó, nhìn những con rạch chảy lượn quanh từng nếp nhà nhỏ, hít một hơi đầy là đã đủ để mỉm cười hạnh phúc. Thành phố duyên dáng, mà cái hay nhất là vẫn giữ được sự duyên dáng đó khi nêm chặt trong mình toàn là du khách. Cứ giống như người không có cuộc sống riêng tư gì, chỉ toàn sống cho người khác. Từng ngõ ngách, từng bí mật đều mở ra cho người khác lục lọi tìm hiểu. Đến nỗi có lúc tự hỏi, thật ra ai đã làm ra Venise, ai đã và đang thật sự sống ở đây, để bây giờ trong dòng người tấp nập trên từng mét nhỏ đường, vẫn bối rối hỏi trong số đó ai có thể nhận mình là người của chốn này. Một thành phố không sống cho riêng mình thì là thành phố chết. Mừng thay dường như Venise vẫn đang nhún vai chào độ lượng, với sự duyên dáng có phần hào phóng của mình – bằng từng nếp cầu , từng cây cọc neo gondola, và từng khóm hoa trên ban công soi nước. Chẳng phải chỉ có những người hưởng thụ Venise, mà đằng sau những con đường ngoằn ngoèo vẫn rất nhiều người tỉ mỉ duy trì vẻ đẹp đó.

Như khi gác chân lên ghế đọc truyện trong phòng thuê nhỏ ở Ams, mà nghe tiếng xe lửa rần rần chạy hai phút một lần sát rạt bên… Rồi một sớm mai hồng, khi thấy sông nước chảy êm đềm lặng lờ, cây còn ánh màu xanh sương sớm và những chái nhà êm đềm trong trẻo nối mình dưới nắng mới, mới nghĩ rằng mình thật may mắn được bước đến đây…

Dường như tất cả thành phố đều đẹp nhất khi rạng sớm. Khi chưa có ai hối hả chen chúc làm hư hỏng chúng. Chỉ một lúc ngắn ngủi, cảm thấy mỗi thành phố đêù để dành riêng một góc cho mình. Một khoảng lặng trên balcon nhà nàng thơ. Chiếc lá xanh bên rào tường đỏ mà mình đã cố kiễng chân khẽ ngước mặt chạm vào. Hay ba phút bình yên nghe gió thổi mặt sông rì rào xanh. Chỉ một thoáng sớm mai, đủ dùng cho tất cả ngày ồn ã…

Cho em một thoáng bình yên, để em được yêu như ngày đầu tương ngộ.

Đọc báo linh tinh

Báo TQ cảnh cáo Việt Nam

Hôm nay đọc cái bài báo này xong, trong đầu mình chuyện đầu tiên nghĩ tới là truyện ngắn của Lỗ Tấn học hồi cấp 3, với hình ảnh ấn tựơng về một người cha dậy từ sáng sớm đi hứng máu tử tù về cho con chấm với bánh bao ăn – trong niềm tin mù quáng tuyệt vọng là cách đó chữa được bệnh lao – mà thờ ơ với sự thật rằng kẻ tử tù đó chính là một chí sĩ yêu nước. Chẳng liên quan gì lắm, nhưng sự đối lập giữa một Trung Quốc ngạo nghễ hống hách và một Trung Quốc đen tối lạc hậu tủi nhục, tự nhiên nhắc mình nhớ rằng cái nền văn hóa rực rỡ đầy bá khí đó chẳng phải là vô địch bất bại gì, chính nó cũng phải quay lưng lấp liếm đi những vết nhơ không thể rửa sạch của chính mình.

Một đất nước rộng lớn đến chừng đó, một chế độ phong kiến bá chiếm đến mức xem tất cả các nươc nhỏ xung quanh chỉ là man di ngoại tộc, chư hầu của mình, với những ông vua được ca ngợi ngàn đời vì cái khả năng “mở rộng bờ cõi” mà thực chất là chà đạp xâm lấn những nền văn minh nhỏ lẻ khác. Một quốc gia như thế mà trải cả trăm năm dưới vó ngựa Mông Cổ, mà dân phải cạo nửa đầu tết tóc đuôi sam thờ những ông hoàng người Mãn, mà bị biến thành miếng bánh chia bảy xẻ tám trong tay Tây phương. Một nền văn hóa Khổng Mạnh tự hào đi đầu ảnh hưởng khắp các nước châu Á, lại có lúc thui chột mù quáng cùng đường đến mức xâu xé bánh bao chấm máu chí sĩ bỏ mạng vì nuớc. Kẻ mạnh thì ngang ngược, tư tưởng là “đại hán”, cả thiên hạ lúc  nào cũng như  đất của mình.

Tự nhiên lại nhớ Lý Thường Kiệt trong một đêm khuya sang sảng đọc “Nam quốc sơn hà nam đế cư”, nhớ Ngô Quyền Bạch đằng giang chôn xác giặc, nhớ ải Chi Lăng quân Lam Sơn chém đầu Liễu Thăng. Hai Bà Trưng “phất cờ nương tử thay quyền tướng quân” là để đuổi quân của cái anh Hán Vũ đế đẹp trai hào hoa trong phim của Huỳnh Hiểu Minh . Và bạn Càn Long phong lưu vi hành khắp chốn thì lại phái một kẻ tên là Tôn Sĩ Nghị dẫn binh chiếm nước Nam để rồi bị Nguyễn Huệ đánh cho chui ống đồng về nước.

Bảo chúng ta về xem lại sử à? Ừ, chúng ta  xem lại và chỉ thấy được có một câu Quang Trung bảo:

“Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”

Cái nước Việt Nam nó nhỏ như lỗ mũi nhưng nó cũng có phải là sân sau của Tàu khựa đâu :))

Mà nói thế thôi, thời buổi này ai ngu gì vác vũ khí ra đánh nhau.