Nửa đời ngơ ngác

__Viết cho “Nửa đời ngơ ngác” – Kịch Hoàng Thái Thanh

(Nguyên tác: “Chiều vắng” của Nguyễn Ngọc Tư) __

Em muốn hỏi, một lần, thế nào là nửa đời ngơ ngác. Là nửa đời chờ đợi trông chờ, hay nửa đời dở dang ngơ ngẩn. Cái buồn có thể diễn tả bằng lời không phải nỗi buồn thật sự. Nếu say có thể quên, sầu có thể khóc, tình để lỡ còn duyên gặp lại, thì tại sao tóc trắng nửa đầu còn phải mượn khói bếp cay xè che đi mắt ầng ậng nước.

Sông dài, cá lội chẳng có tăm hơi. Chờ đợi một người biền biệt phương trời đã là điều đáng sợ. Nhưng chờ một người trước mặt mình còn đáng sợ hơn gấp bội. Đưa tay ra có thể chạm được người, nhưng không chạm được lòng. Yêu thương dài như sông cũng chỉ là đổ ra biển, miệt mài trôi hoài vô vọng. Đem nước mắt một đời trả cho người, rốt cuộc có ai là người lời khi thu nợ?

Lời hẹn của những ngày xanh tóc. Tương lai là điều mờ mịt xa xôi. Những kẻ ngây thơ non nớt vụng về nhưng liều lĩnh. Yêu thương là thứ duy nhất có thể hào phóng cho nhau.

Em chờ anh vồng cải hoa vàng. Anh chở chiều về ghe trôi rạch nhỏ. Hạnh phúc cả một ngày nằm ở cái ôm chặt không buông. Hoa vàng mấy độ, thương nhau mấy thuở mấy kỳ.

… Rồi lại chia xa. Rồi lại gói ghém. Gói ánh mắt trong khói. Gói yêu trong hận. Gói thương trong oán. Gói cuộc đời trong những hoang hoải nhớ thương.

Mình sợ cái buồn trong truyện Nguyễn Ngọc Tư. Day dứt vô vọng. Man mác khắc khoải. Lặng lẽ đau đáu. Cái buồn của những ánh mắt lặng thầm không bao giờ được đáp lại. Cái buồn của những yêu thương không tìm được về chung lối, và những đợi chờ triền miên không dứt.

Chị Ba Lê theo không anh Tư Nhớ cù bất cù bơ chèo ghe chở mướn. Bà Hai mẹ chị giận, đi cáo giác với công an anh Tư buôn lậu, chở người vượt biên. Ngày anh về vườn nhà xanh cỏ, vợ bị bắt lại đem gả lên chợ huyện rồi, còn đứa con vốn nằm trong bụng mẹ chờ ngày ra đời thì bị bà Hai bảo “Ra bãi rác mà tìm”. Oán hận không tài nào dập nổi. Út Lý em chị Ba Lê muốn đền bù chăm sóc cho ông anh rể hụt, lại đem lòng thương anh, dang dở một đời. Đầu hai thứ tóc, răng rụng mất rồi mà mắt mỗi người xa xăm một phương. …

Hờn giận làm chi cho tình chẳng chảy tới được. Nước mắt người đàn ông găm lại trong lòng, làm hao mòn bao nhiêu nước mắt của một người phụ nữ khác trong những yêu thương dạt dào và đợi chờ đau đáu. Nước mắt chảy xuống như một vòng luẩn quẩn, trói mình trong hồ giữ đầy không cách thoát ra.

Muốn đem tình mình hòa bớt đắng cay trong lòng người.

Muốn chăm sóc ngừơi, từ những điều giản dị hàng ngày, như những người đàn bà bình thường vẫn được làm cho người mình thương.

Muốn dang tay ôm để xoa dịu tất cả tổn thương người chịu, mặc dù đã quên mất rằng trên chính mình những vết thương vốn chẳng nhẹ nhàng hơn.

Và muốn chứ, một lần, người nhìn mình bằng ánh mắt hiền trìu mến như nhìn về người đó.

Chỉ là một kẻ thay thế. Thay thế một người vốn chỉ tồn tại trong vòng vài tháng, bằng sự kiên nhẫn dịu dàng của vài chục năm trời….mà vẫn không được thừa nhận.

Bao giờ chiều chập choạng qua, thù hằn được giải, để yêu thương trở về đúng chỗ và tay – lại như lần đầu – được ngượng ngịu cầm tay.

Em muốn tình yêu là con sông dài, lặng lẽ chảy. Để ngày nào đó, người bước ra khỏi sương mờ, lại được về ngồi với dòng sông, để nhận ra hạnh phúc thật ra chưa bao giờ trôi đi hẳn. Ngọt ngào vì đã qua đủ đắng cay.

Tối khuya quỳnh hương nở. Đóa mới cho đời, đóa mới cho em…

Bạt: Thích truyện hơn kịch, đầy đặn và nuối tiếc. Nhưng thích Út Lý của Hồng Ánh hơn. Mạnh mẽ và sống động hơn nhiều, dám yêu dám nói. Nhưng vẫn yêu lắm một Út Lý bốn bảy tuổi của truyện, ngày nào cũng qua chăm sóc người ta, mà bữa rụng hết bốn cái răng lại tần ngần đứng ở cửa chờ được mời vào. Cái giọng xa xăm trên chiếu “Coi vậy mà già rồi”, như lời nhắc nhở bâng quơ, như hy vọng mong manh cuối cùng … giá mà anh chịu nói một lời. Thương lắm mà cũng xót lắm, sao hiền nhịn thế kia. Yêu bằng tình yêu của mình, mờ cứ ngỡ nương tựa chút mảnh tình thừa người khác. Ba Lê cuối kịch vô duyên chưa từng thấy. Có lẽ phải có một Ba Lê phủi tay quá khứ thế kia, thì dòng nước mắt luẩn quẩn mới chảy hết ra, để yêu thương trở về ôm lấy Tư Nhớ và Út Lý, để họ thực sự chỉ thuộc về nhau, để Tư nhớ nhận ra bao nhiêu năm, ai mới là người phụ nữ bên cạnh mình. Nhưng vẫn nhớ lắm, một Ba Lê của truyện, “đôi mắt buồn thiu thỉu, luôn luôn ngó thẳng về phía trước mà ánh nhìn không có một chỗ vịn nào.” Cái tình trong truyện, nó nặng quá. Đến lúc cuối “Cả ba người quay lưng lại với nhau, bưng mặt khóc, thương cho tuổi thanh xuân đã qua mất rồi” . Chỉ một câu, mà thấy mình đúng là ngơ ngẩn. Thế nào là ngơ ngác nuối tiếc, chuyện tốt không thành, tình thương để lỡ. Duyên ngắn có thì.

Ngàn năm tình sử

Lâu rồi mới xem một vở kịch hay đến vậy. Hay đến mức về nhà vẫn có cảm giác lơ mơ và buồn bã. Hay đến mức vừa xem xong đã muốn xem lại… mặc dù không phải mình thích tất cả vở diễn.

Mình không thích giọng mỏng của Hoàng Trinh. Nhân vật Thượng Dương hoàng hậu vẫn còn thiếu một chút.  Sự ích kỷ nhỏ nhen của một người đàn bà, cái nông cạn – tầm nhìn hạn hẹp của một bà hoàng dường như vẫn không đủ giải thích cho tất cả những gì bà ta đã làm. Khi bà ta gào lên rằng “Vì yêu, vì yêu mà không được yêu, vì ta cũng là một người phụ nữ”, dù rất ấn tượng, nhưng vẫn cảm giác hơi hẫng, có lẽ vì chưa bao giờ cảm thấy tình yêu của bà ta đủ lớn đến ám ảnh điên cuồng như vậy. Và hơn hết, không thấy một người như vậy có điểm gì để Lý Đạo Thành mù quáng ủng hộ.

Không thích Thượng Khanh, khi bà quay mặt bỏ đi để lại một Lý Thường kiệt với tất cả cô đơn thống khổ và đau đớn một mình. Vì sao chứ? Rốt cuộc cho dù bây giờ ông khiếm khuyết đến thế nào, thì ông đã từng gây lầm lỗi gì đâu. Một người đàn ông cam tâm tịnh thân chỉ để đêm đêm có thể ngồi thổi sáo cho người đàn bà của mình nghe. Những hy sinh, những mất mát, đâu phải riêng mình Thuận Khanh phải chịu. Vì sao không ở bên ông đến cuối đời, để chia sẻ buồn vui, để chăm sóc và nắm tay người đàn ông mình yêu nhất. Tại sao lại thẫn thờ bỏ đi khi nghe ông bảo rằng ông không còn nguyên vẹn? Phải, khát khao của người phụ nữ được làm vợ làm mẹ đích thực rất lớn. Phải, thống khổ mấy chục năm trời sống vò võ rất thê lương. Nhưng chẳng lẽ chỉ vì Lý thường Kiệt đã tịnh thân thì ông hẳn đã không còn là người đàn ông đích thực mà Thuận Khanh mong chờ? Ông vẫn còn đó tình yêu nồng nàn như ngày hai người đôi mươi mười tám, vẫn còn đôi tay mạnh mẽ có thể chở che, và hơn hết, lúc này, còn có một đôi mắt u sầu cần chia sẻ. Vậy mà lại nỡ bỏ đi, để chết già và khô héo trong chùa? Nếu bảo cửa lòng Thuận Khanh đã khép, thì là khép vì lẽ gì? Lòng người phụ nữ chỉ chết hẳn, khi yêu một người không xứng đáng để yêu. Còn Lý Thường Kiệt, trong bao nhiêu năm cuộc sống, ông đã sống gì để không xứng với tình yêu ấy? Khi vị quan già họ Lý được người đời tôn xưng anh hùng đấy đứng trước cổng chùa nói với Thuận Khanh rằng: “Bây giờ tôi chẳng còn ai để đưa tiễn nữa. Khanh à, về đi”, mà người phụ nữ ấy vẫn lạnh lẽo cúi đầu quay lưng vào chùa biến mất, mình chợt có một cảm giác phũ phàng tột độ, tựa như rằng sẽ không thể tha thứ cho người đàn bà đó được.

Nhưng mình thương tình cảm của hai người từ những ngày xưa cũ. Lý Thường Kiệt nửa đầu vở diễn  là một anh thanh niên nhiệt tình, sôi nổi và thẳng tính. Khi anh chia tay người yêu lên đường, khi anh chạy vội về nhà, có một ánh mắt rất sáng và một nụ cười rất tươi, như thể tuổi trẻ mỉm cười rằng “Điều gì cũng có thể”. Khi anh lồng lộn trong đau buồn và rượu để khóc ngất trên tay người em mà thốt lên rằng “Sao vua cướp vợ anh”,  ta thấy một nỗi đau rất thực, rất chua xót, như một giấc mơ tương lai tươi sáng bắt đầu vỡ loảng xoảng, và những mảnh sắc của nó sẽ bắt đầu lấy mất ánh nắng trong mắt một người con trai mạnh mẽ.

Cuộc đời có nên buồn buồn sao cho hết niềm đau

 

Tình này có nên sầu sầu đau sao hết … phù du

 

Ôi số kiếp cách xa giờ đã cách xa.

Có đôi khi, ngay cả những người mạnh mẽ nhất cũng cảm thấy bản thân bất lực. Có đôi khi, sự tuyệt vọng rõ ràng đến mức ta không biết làm sao để vượt qua nó. Và nhìn người mình yêu chỉ cách xa một tầm tay mà mãi mãi với không còn tới được, cái đau đớn, hụt hẫng, tàn nhẫn đó làm sao chịu được?

Thích đoạn hai người gặp lại nhau. Cùng một đoạn đối đáp, ngày xưa là tươi mới trẻ trung, đầy niềm tin và hy vọng. Giờ hai người nói lại, không sót một chữ, cứ như hàng ngày đã ôn lại đoạn thoại đó trong đầu bao nhiêu lần. Vẫn là chòng ghẹo đó, vẫn là hò hẹn đó, nhưng sao nó chỉ giống như còn vọng về từ nỗi nhớ.

“Ai là vợ anh? Ai là chồng em?”

 

“Khanh nói vậy tôi giận đó nha. Thì Khanh là vợ tôi, tôi là chồng Khanh”

Hai người thuộc về nhau. Bốn chục năm ngăn cách một bức tường. Hai người thuộc về nhau. Mái đầu xanh giờ đã điểm bạc…. Mà lời thề vẫn lỡ, tình cảnh vẫn đau và nước mắt thì không còn rơi được.

Kết cuộc, một mình giữa bơ vơ. Ông là ai? Bước xuống sông. Nước dội đi tuổi già, dội đi bao tháng năm trừng trải, dội khi mất mát đau thương và dội đi cả công danh địa vị. Chỉ còn đó trơ trọi một người, cô độc như tự lúc nào, giữa đêm đen lặng thầm, trải đôi bàn tay xuống, trở về làm chính bản thân mình,  để hát câu cuối cùng rằng:

“Bơ vơ mãi bơ vơ …. chết trong ngày tình cờ”

Đời chẳng còn anh hùng. Chỉ có những kẻ khắc khoải tìm nhau trong vô vọng.

Hợp đồng mãnh thú

Lâu rồi mới đi coi kịch ở Idecaf. Thật sự trong kịch mục lần này muốn coi nhất “hồn Trương Ba , da hàng thịt” vì kịch bản cũ này của Lưu Quang Vũ từng đình đám 1 thời, Ái Như dàn dựng thì khá chắc tay, có Thành Hội- Thành Lộc càng hấp dẫn. Nhưng không ưa nổi sân khấu Trần Cao Vân nên thôi. “Hợp đồng mãnh thú” vậy. 28 Tết mua vé. Mùng 3 coi. Chiều 30 biết tin Thanh Phương mất, nhìn cái vé của mình mà bị sững lại. Cuộc đời đó có bao nhiêu mà hững hờ…

Vở diễn trung bình, nếu chuốt 1 số đoạn dài, hài lố- tục ra thì có thể gọi là « được ». Nguời thế vai Thanh Phương là Tuấn Khải, không cảm tình lắm. Trong dàn dv trẻ của Idecaf thì mình thích nhất là Đại Nghĩa và Thanh Phương, nét diễn rất duyên. Tuấn Khải diễn vai này hơi bị cứng và ồn ào, có cảm giác anh chỉ vừa kịp thuộc thoại và diễn theo chỉ đạo chứ chưa thấm được cảm xúc chính mình.

1 vở diễn dài hơn 2 tiếng nhưng mình chỉ thích 5 phút cuối, khi mọi thứ được trả về vị trí thực của nó. Cả câu chuyện là về sự phù phiếm và huyền hoặc của dục vọng, sự đảo điên tất cả giá trị cơ bản con người. Nam giả nữ để làm cave kiếm tiền. Ông chủ biến thành thằng hề vì 1 mảnh hợp đồng. Khách sạn hào nhoáng để che sự rởm đời và hèn kém của những kẻ thuê phòng lắm tiền. Lợi ích thay cho tự trọng. Phấn son lòe loẹt thay cho bộ mặt rệu rã vì hụt mất niềm tin. Không có gì là thật. Chỉ có câu nói cuối cùng của Huy Khánh là thật : « Tôi thương em mà ». Thích chữ « thương » hơn, cảm thấy « thương » lúc nào cũng nặng, thấm và bền hơn « yêu », vì hàm chứa trong chữ đó ngoài tình, còn nghĩa- sự cảm thông, chia sẻ. « Thương » dùng cũng rộng hơn : tình bạn bè, tình anh em và linh tinh tỉ thứ tình không định nghĩa được… Chính vì vậy, khi Huy Khánh nói câu đó, mình không cảm thấy đó là tình yêu đồng tính, đó là tình người. 3 phần xót xa, 3 phần tội lỗi, 3 phần thương xót. Thành Lộc diễn đoạn đó tuyệt vời, mặt không quay lại, tay đang giữ nắm đấm cửa xoay xoay, nửa muốn bước ra, nửa muốn quay lại ôm chầm lấy như trước nay vẫn muốn.

Nhưng anh có tư cách gì mà quay lại ?
Là trai- anh là tên lừa đảo cù bơ cù bất.
Là gái- anh là gái đứng đường bán mình vì tiền.
Anh đứng ở cổng, và không thể quay lại, vì anh đã trở về chính mình. Buổi trước, anh vì tiền ở lại nhảy múa. Buổi trước, anh tiếp tục giả gái vô phòng khách vì lời cầu xin của 1 người bạn. Còn bây giờ, rửa hết son phấn, nón che nửa mặt, không thể nhìn đời, nhưng có thể nhìn thẳng mình, anh chua xót xoay mình ngay cửa, sững sờ nghe câu nói « Tôi thương em » rồi bước ra.

Đã có lúc… là trai… anh muốn làm bằng hữu tốt chiến đấu bên cạnh người bạn mà mình tôn trọng nhất.
Đã có lúc… là gái, anh muốn được nhận lời cầu hôn của 1 người với tình thương và sự cảm thông.

Chuỗi ngày dài giả trang, có lẽ, anh đôi lúc cũng đã quên mình là trai hay gái, cái anh muốn có, cuối cùng, là hạnh phúc- bất kể ở thân phận nào. Hạnh phúc có thể ngẩng cao đầu. Hạnh phúc thấy người mình thương giữ được vị thế và lòng tự trọng. Hạnh phúc, vì được yêu thương. Sự đời không dễ, lúc nghe được điều mình muốn nghe, cũng là lúc biết rằng đã quá muộn.

Rồi anh bước ra. Sảnh lớn vẫn rất lộng lẫy. Bồi phòng vẫn rất lịch thiệp. Chỉ có anh- mua cho thằng bé 1 bó hoa, phủi sạch mọi bụi hào nhoáng,để trả mọi thứ về giá trị vốn có của nó, dẫu chua xót và trần trụi.

Thank you for loving me

Hôm nay đi xem “Cám ơn mình đã yêu em” – Phần cuối của bộ 3 kịch : “Thử yêu lần nữa”,”Màu của tình yêu”, “Cám ơn mình đã yêu em”. Vốn đang chần chừ không biết có nên đi không, vì…không muốn thấy cái đoạn kết ấy. Nếu câu chuyện chì dừng lại ở việc họ yêu nhau- họ lấy nhau…và ta sẽ tin là họ bên nhau mãi mãi…thế thì đẹp quá. Làm chi thêm 1 đọan kết đau lòng – vỡ tan những giấc mơ “hồng phấn”. Nhưng tự nhiên lại có vé mời – có duyên phải xem cho hết. Ừ, thì đi.

“Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…”

( Mưa hồng)

Người vợ mang thai con 5 tháng – phát hiện ra mình bị ung thư- sẽ chết. Nỗ lực cuối cùng của 1 người mẹ, là để cho đứa con được ra đời. Nỗ lực cuối cùng của 1 người vợ – là để cho chồng bớt đau lòng trước khi mình ra đi.

Đời không hối tiếc – đã từng được hạnh phúc, còn gì không mãn nguyện… Nhưng đôi khi con người chợt nhận ra, đau khổ nhất không phải là khi mình không còn gì, mà đau khổ nhất là khi mình sắp mất tất cả – mới chợt nhận ra mình đang có nhiều đến thế nào. Những thứ nhỏ nhoi bỗng hóa thành ý nghĩa- bước chân ngang ngoài ngõ đánh thức sự sống tiềm tàng- cuộc sống chật chội của 6 con người trong 6mét vuông nhà ẩm thấp lại trở thành ước mơ không thể với tới của 1 người phụ nữ hiền lành.Yêu thương dịu dàng trong cuộc sống, không cần hoa mỹ cầu kỳ. Thương – là khi người chồng nhìn thấy vợ mình đầu tóc rụng gần hết, nhợt nhạt tiều tụy- vẫn thốt lời tận đáy lòng rằng “Em đẹp lắm”. Thương – là khi người vợ ngập ngừng nói rằng “Cám ơn mình” “vì sao?” “Vì mình dã yêu em”. Thuơng- là khi người mẹ ghi lại những lời cuối cho đứa con nằm nôi của mình “1 ngày nào đó, con sẽ trưởng thành. Xin lỗi, vì mẹ không thể ở bên con”

“Cám ơn” và “xin lỗi”…Vì ta nhận rất nhiều và không thể trả hết như ta mong muốn. Đời mắc nợ 1 người – là hạnh phúc, phải chăng?

“Mang ơn em đau khổ thật đầy, là nắng vàng rủ nhốt trong mây”

(Tưởng niệm)

Những ngày hạnh phúc, đôi khi rất đáng sợ. Vì nó làm cho những ngày lạnh lẽo cô đơn càng trở nên khó sống hơn. Ký ức – có thể đẹp tươi khi nhớ về, cũng có thể trở thành nỗi ám ảnh và nuối tiếc không nguôi. Biết ơn đời mang em đến bên ta, biết giận ai mai không còn em nữa…

Sự sống của đứa con- đánh đổi bằng hy sinh của mẹ. “Cám ơn mình đã yêu em”, thật ra là vỡ tan giấc mơ hạnh phúc…hay là khởi đầu của những niềm tin mới?

Hoa nở vàng hiên nhà hôm ấy. Gió khẽ khàng trên cao vẫn thổi. Người – Có thể còn, có thể tan biến hư không. Để tình yêu ở lại mà thôi.

Mai, con nhớ nhé, phải lớn mau ngoan

Mai, anh nhớ nhé, đã từng có em trên đời

Mình biết ơn nhau…

Để gió cuốn đi… phải chăng đã là kết thúc?

Sen hồng một độ, em hồng một thuở … xuân xanh
Sen buồn một mình
Em buồn… đền trọn mối tình

( Đóa hoa vô thường)